Giới thiệu bản thân nghe thì đơn giản nhưng nghĩ sâu thì cũng phức tạp.

Khi tham gia các lớp học, trong mỗi lần hồi hộp đợi đến lượt giới thiệu bản thân tôi đều trộm nghĩ liệu tất cả những thứ tên tuổi và nghề nghiệp có thực sự định nghĩa gì về mình không? Tuy nhiên nghĩ đơn giản thì cũng chỉ là những cụm từ và con số thôi mà.

Thảo là tên. Số tuổi hơn 30.

Tôi từng copy và up một cái stt như thế này trên Facebook.

“Dear friends,

Vì cuộc sống không phải chỉ là những hình ảnh, tôi quyết định làm theo trend tham gia vào một trò chơi gọi là “cuộc gặp gỡ giữa các bạn bè”.

Mục đích của trò chơi này là để biết xem có ai đọc những gì tôi viết mà không có hình ảnh đi kèm không. Nếu không ai đọc, không sao, vì nó là một trải nghiệm nhưng nếu bạn có đọc những dòng này, bạn hãy cho tôi biết bằng cách để lại một từ nào đó liên quan đến tôi trong phần bình luận. Chỉ vài từ thôi, chẳng hạn như nơi chốn khiến bạn nhớ đến tôi, một sự kiện, một thời khắc, một nhà hàng, quán cafe, một bộ phim hay một chuyến đi nào đó chẳng hạn. Sau đó, bạn có thể sao chép dòng trạng thái này về tường nhà của bạn và tôi cũng sẽ để lại một từ khiến tôi nhớ về bạn.

Chơi thử xiem ló sẽ dư lào ý mà! Peace”

Trong phần bình luận, khá nhiều từ khoá được đưa ra, có từ khoá tôi biết, có từ khoá khiến tôi bất ngờ, không nghĩ người ta có ấn tượng đó về mình. Thế nên, điểm đặc trưng của mình là gì đôi lúc còn do người kia tự nhìn nhận. Điều này tương đương với việc viết là của người viết nhưng hiểu thế nào còn do người đọc.

Tất nhiên cũng không thể phủ nhận với những kĩ thuật truyền thông, ta cũng có thể tạo ra thương hiệu, nhân hiệu cho chính mình. Kiểu như tôi hay viết là mình ngầu, thế rồi sau này thấy rất nhiều bạn bảo mình ngầu, riết rồi không nhớ là mình tự nhận trước hay có ai đó khen như thế trước rồi có lúc mệt chết mẹ mình vẫn gồng lên vì nghĩ ngầu mới là mình.

(Nhớ lại hồi sinh viên, tôi cực ghét khi thấy nhiều bài viết rao giảng rằng Facebook cũng là một nơi khiến nhà tuyển dụng nhận ra bạn,… phải biến Facebook thành một chiếc CV bla blo, tiên sư, đã lên mạng xã hội, xây 1 cái “tường nhà” riêng mà còn không được vui buồn hờn giận, gồng mình lên diễn nữa thì chán. Chắc vì ko làm theo nên lụt nghề đến giờ. =))))

Trong chiếc blog dang dở của tôi (chính là chiếc blog này, đang phấn đấu để năm nay nó không còn dang dở nữa, hãy tương tác nhé) có một mục mang tên “Các mình” nhằm viết những câu chuyện lưu giữ lại các phiên bản của mình. Trong mỗi chúng ta đều có rất nhiều em bé, rất nhiều bạn nhỏ, rất nhiều người lớn tuỳ theo dòng thời gian; rất nhiều phiên bản chúng ta cho phép xuất hiện, nhưng cũng có những phiên bản bị vùi dập, đang cố gồng lên để được thể hiện ở một chiều không gian, thời gian nào đó khác,… Chúng ta không phải một kênh, chúng ta là cả một đài truyền hình. Khi vui “chuyển 1 kênh”, khi buồn “chuyển 2 kênh”, khi bực bội “chuyển về kênh trước khi chuyển kênh”, đoạn chuyển kênh viết xàm ăn theo một parody nào đó của Quang Trung mà tôi xem từ lâu, nếu tìm lại được sẽ gắn link dưới comment, còn đoạn đài truyền hình là ý học được từ một người bạn hay trò chuyện tâm linh, bạn kể bạn học thầy Minh Niệm bảo thế.

Tạm thời tôi thấy cũng đúng. Tôi sẽ vui tới bến với cái đài truyền hình này. Tôi sẽ lục lọi tất cả “các mình”, một cách nghiêm túc đầy cợt nhả.

Bài viết được đề xuất

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *