Vài năm trước, bà tôi mất. Người bà cuối cùng. Vậy là hết, đã đến lúc tôi không còn người ông bà nội ngoại nào nữa.

Tôi đủ tuổi và hiểu biết để chấp nhận sự thật rằng rồi cuối cùng ai cũng phải ra đi.

Bà tôi mất lúc (khoảng) 90 tuổi. Sở dĩ có chữ “khoảng” vì như bao nhiêu người ở thế hệ đó, năm sinh của bà cũng là thứ không chắc chắn chứ đừng nói đến ngày tháng sinh.

Một đám tang vui buồn lẫn lộn. Buồn thì tất nhiên rồi. Có sự mất mát nào là không đớn đau? Có sự chia ly nào là không tiếc nuối?

Nhưng bà tôi đã ra đi không quá nhiều đau đớn, và số tuổi đó cũng tạm gọi là sống thọ.

Có một người đại diện xã đọc điếu văn.

Điểm lại toàn bộ các sự kiện, thành tựu từ lúc sinh thời đến lúc mất đi của bà.

Cuộc đời bà tôi lướt qua theo từng lời nói. Bà XXX sinh năm …. tại… Năm xx tuổi bà lấy chồng, sinh xx người con. Năm xx bà cùng gia đình chuyển tới…. Bà là người mẹ…. người bà…. người hàng xóm tốt bụng….

Lại một thứ cảm xúc lẫn lộn.

Hàng loạt suy nghĩ nhào đến trong đầu tôi.

Một suy nghĩ “láo lếu”: À, khi người ta sống chẳng có thành tựu hay dấu mốc gì thì điếu văn vẫn có thể được cố viết cho dài ra nhỉ?

Một suy nghĩ “khách quan”: Chẳng có bất kì một danh hiệu hay giải thưởng nào, chẳng có bao nhiêu năm tuổi Đảng, chẳng có cuốn sách bài nhạc, chẳng có chiến công hiển hách, chẳng có một cột mốc đáng nhớ nào, ngoài việc bà đã di cư theo chồng và con đến ở vùng quê này.

Một suy nghĩ “chín chắn hơn?”: Đây chính là điếu văn của phần lớn mọi người, những người bình thường. Và sống bình thường như vậy, là một người tốt, đã quá đủ rồi. Bởi nhìn lại thì, đám tang bà rất nhiều người đến, dù chính bà hay con cháu đều không phải người quyền cao chức trọng hay thành công vang dội.

Một câu hỏi chợt ghé: Liệu mình muốn điếu văn của mình liệt kê điều gì?

Câu hỏi vẫn ghé thêm nhiều lần khi tôi nghĩ về cái chết và những điều mình muốn làm trong đời.

Bài viết được đề xuất

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *